(Dân trí) - Thi ĐH Kinh tế Quốc dân Hà Nội được 28 điểm và giành điểm tuyệt đối 30/30 khi thi CĐ Tài chính - Quản trị kinh doanh. Đó là thành tích của cậu học trò quê Hưng Yên Đinh Đức Hóa. Nhưng ít ai biết rằng Hóa từng là một “con nghiện” game online.Kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2011, Đinh Đức Hóa thi đỗ khoa Tài chính, ĐH Kinh tế Quốc dân Hà Nội được 27,75 điểm (làm tròn thành 28 điểm) và đỗ thủ khoa CĐ Tài chính - Quản trị kinh doanh với số điểm tuyệt đối 30/30. Hóa cũng là thí sinh duy nhất đạt 30/30 trong kỳ tuyển sinh ĐH, CĐ năm nay.
Cai game online nhờ cuốn sách của Bill GatesĐinh Đức Hóa sinh ra và lớn lên trong gia đình cả bố và mẹ đều là nông dân ở thôn Ngọc Đà, xã Tân Quang (Hưng Yên). Ngoài việc trồng trọt trên 2 sào ruộng, bố mẹ Hóa làm thêm nghề chở hàng đi nhập các chợ bán kiếm tiền nuôi con. Cả ngày bố mẹ tất bật bận bịu đi làm nên Hóa ở nhà vừa trông em vừa nấu ăn cho gia đình. Chính vì vậy mà hồi học cấp 2 em thường trốn đi chơi game trực tuyến mà gia đình không biết.
“Bây giờ thì em không chơi game nữa rồi anh ạ. Hồi học cấp 1 em học không dốt, từng đoạt giải nhì học sinh giỏi tỉnh hai môn Văn, Toán nhưng lên cấp 2 em chơi game kinh lắm. Thâu ngày thâu đêm luôn. Lên lớp mệt chỉ muốn ngủ thôi. Kết quả cấp 2 học kém. Toán, Lý, Hóa là ba môn em học được nhưng kiểm tra toàn điểm 3, 4. Hết lớp 9, em thi vào 2 trường chuyên Toán chỉ 1,5 điểm. Bố em kỳ vọng em đỗ vào trường chuyên lắm. Thấy kết quả này, bố em giật mình, ỏ thái độ rất bực bội”, chàng thủ khoa Đinh Đức Hoa chia sẻ.
Khi không đỗ vào trường chuyên, Hóa bị bố quản lý thời gian rất chặt chẽ. Tình cờ một hôm có cô bạn gái cùng lớp mua tặng Hóa cuốn sách “11 lời khuyên dành cho thế hệ trẻ của Bill Gates”. Đọc xong cuốn sách này, Hóa quyết tâm bỏ game và nuôi mộng ước trở thành ông chủ như Bill Gates.
Cuốn sách của Bill Gates đã giúp Đinh Đức Hóa “tỉnh ngộ”, cai game và tập trung vào việc học.
Đề nghị giáo viên ra đề để tự giảiCách đây ba năm về trước, cô Nguyễn Thị Thu Thủy - giáo viên dạy Toán Trường THPT Trương Định (Hưng Yên) ngạc nhiên bởi lần đầu tiên có cậu học trò dám tự đề nghị giáo viên ra đề thi cho mình giải. Cô Thủy nghĩ, bây giờ giáo viên ra sức thúc giục các em học mà còn lười chứ gì nói chuyện tự xin bài để làm. Cô Thủy nghĩ, vì phải học nhiều môn nên chắc giỏi lắm cậu học trò này chỉ giải vài đề rồi bỏ cuộc. Thế nhưng đều đặn mỗi tuần Hóa giải một đề cô Thủy cho. Thời gian đầu, Hóa chỉ làm vài câu trong đề nhưng dần dà qua rèn luyện của bản thân và hướng dẫn chỉ bảo tận tình của cô Thủy, cậu học trò đã nắm chắc các dạng bài. Từ đó, Hóa cũng em rút ra nhiều kinh nghiệm để giải nhanh Toán. Do cô Thủy yêu cầu cao và khắt khe trong từng chi tiết làm bài nên chẳng bao giờ Hóa được cô cho điểm 10.
Giờ nghĩ lại những kỷ niệm đó, Hóa cho biết: “Mới đầu em giải và nộp bài cô chấm, em nghĩ phải 7, 8 điểm nhưng ai ngờ cô cho 4 điểm, thậm chí nhiều khi cô còn cho cả 2. Thấy vậy em bất bình nhưng rồi xem lại bài chấm của cô ghi rất chi tiết từng lỗi mới thấy đúng. Sự tỉ mỉ và khắt khe ấy đã rèn luyện để hình thành cho em tính kiên trì cẩn trọng…”.
Được biết, Hóa không chỉ đề nghị ngoài môn Toán, Hóa còn nhờ giáo viên dạy hai môn Lý và Hóa ra đề, rồi căn giờ tự giải. Sau đó em nộp lại cho giáo viên chấm. Chính quá trình rèn luyện không biết mệt mỏi ấy đã giúp em thành công trong hai đợt thi vừa qua.
Chàng thủ khoa đạt điểm tuyệt đối 30/30 còn tiết lộ thêm một yếu tố giúp đạt điểm cao, đó là phương pháp làm bài thi. Qua nhiều lần luyện giải đề thi, Hóa cho rằng làm bài dù cẩn trọng đến đâu cũng phải soát lại hai đến ba lần trước khi nộp. Câu nào xác định làm được là làm không thì bỏ hẳn để làm tốt những câu khác, không nên dành thời gian suy nghĩ vào đó dẫn đến việc bỏ bê các câu còn lại.
Đinh Đức Hóa cho biết sắp tới sẽ theo học khoa Tài chính, ĐH Kinh tế Quốc dân Hà Nội vì em đam mê kinh doanh và muốn trở thành doanh nhân thành đạt.
Bài và ảnh:Tuấn Đức